Vấn nạn sao chép Ý tưởng
Sao chép ý tưởng sáng tạo hay còn gọi là đạo ý tưởng trong làng xăm Việt đã và đang là một nỗi buồn nhức nhối đối với những người đam mê nghệ thuật nói chung và giới nghệ sĩ xăm nói riêng.
Một tác phẩm đang bị tố là đạo nhái (Trái) của David Hoang-ChronicInk (Phải)
Vấn nạn sao chép ý tưởng đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống nghệ thuật và không loại trừ nghệ thuật xăm. Vừa qua, cộng đồng mạng đã có những tranh luận xung quanh tác phẩm được cho là “sao chép với tỉ lệ 1/1”. Điều gây tranh cãi đó chính là tác phẩm ấy đã đoạt giải 2 “Best small piece” ở Việt Nam Tattoo Expo 2018
Một tác phẩm được cho là đạo nhái (Phải) của @horiei78 (Trái)
Những màn “tố” sao chép tác phẩm trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông bức xúc, gây nhiều phẫn nộ trong cộng đồng xăm. “Lấy cảm hứng” hay “mượn ý tưởng” là giới hạn rất mong manh trong sáng tạo nghệ thuật. Khi mà hầu như mọi lĩnh vực nghệ thuật đều nhuốm màu sao chép cũng là lúc ý nghĩa của cụm từ "sáng tạo nghệ thuật" bị bóp méo. Với tác phẩm gốc ở tận trời Tây, người thực hiện những tác phẩm ấy lại nghĩ rằng có thể dễ dàng qua mặt công chúng. Nhưng ở thời điểm này, khi công chúng có điều kiện tiếp cận với nhiều sản phẩm nghệ thuật quốc tế, cũng là lúc việc sao chép tác phẩm nghệ thuật dễ dàng bị công chúng phát hiện. Vì thế việc sao chép tác phẩm nghệ thuật không chỉ vùi dập chính tác phẩm đó mà còn làm xấu đi hình ảnh người nghệ sĩ mà trước đó họ đã mất công gây dựng.
Một tác phẩm được cho là đạo nhái (Phải)
Câu hỏi đặt ra: Đây là sao chép hay chỉ đơn giản là “mượn ý tưởng”?
Thỏa sức sao chép, để rồi đến khi bị phát hiện, chỉ cần viện lý do "chỉ là tình cờ", tư tưởng gặp nhau, rồi chờ mọi chuyện lắng xuống và nỗi bức xúc cũng trôi theo thời gian. Thế nên danh sách những cái tên dính nghi án sao chép trong giới nghệ thuật cứ ngày càng dài thêm. Hiện thực đáng buồn này khiến những người đam mê nghệ thuật xăm không khỏi băn khoăn: Liệu những người làm nghệ thuật đang cạn kiệt ý tưởng, đến mức phải từ bỏ cái tôi của mình mình để tồn tại, hay đang xuất hiện một xu hướng lười suy nghĩ, quá dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật của những người làm nghề?
Trong nghệ thuật không hiếm trường hợp “ý tưởng lớn gặp nhau” khi cùng khai thác một đề tài, cùng đi theo một xu hướng, một phong cách. Khi ấy người nghệ sĩ đích thực sẽ biết dùng tài năng, cảm quan riêng để xử lý và phát triển tác phẩm theo những hướng khác nhau, mang dấu ấn của riêng mình. Bởi thế, những hành vi sao chép, đạo ý tưởng chắc sớm muộn sẽ bị loại trừ, đào thải.
Khái niệm về những cụm từ như “lấy cảm hứng” và “mượn ý tưởng” thật sự khá khó để phân biệt, nhất là đối với những người không có nhiều chuyên môn, hay đơn giản là không quan tâm lắm đến lĩnh vực sáng tạo. Chính vì sự mơ hồ, nên việc tỉnh táo để không vi phạm đạo đức, giữ lương tâm trong khi làm nghề đối với những người làm sáng tạo là vô cùng khó khăn. Không ngừng lại ở đó, việc tỉnh táo khi đưa ra một nhận định về tác phẩm có sao chép hay không lại càng khó khăn hơn nữa.
Hơn lúc nào hết, vấn nạn sao chép ý tưởng trong nghệ thuật xăm cần phải được lên án mạnh mẽ. Người làm nghệ thuật muốn để lại dấu ấn trong lòng công chúng thì chỉ có con đường nỗ lực, sáng tạo, vì nghệ thuật chân chính không thể là sự vay mượn. Chính những điều đó mới khẳng định được lòng tự trọng của các nghệ sỹ, cũng như sự tự hào của những người làm nghệ thuật sáng tạo.
Tác phẩm đạt giải Nhất bị tố đạo nhái (Trái)
Hơn lúc nào hết, vấn nạn sao chép ý tưởng trong nghệ thuật xăm cần phải được lên án mạnh mẽ. Người làm nghệ thuật muốn để lại dấu ấn trong lòng công chúng thì chỉ có con đường nỗ lực, sáng tạo, vì nghệ thuật chân chính không thể là sự vay mượn. Chính những điều đó mới khẳng định được lòng tự trọng của các nghệ sỹ, cũng như sự tự hào của những người làm nghệ thuật sáng tạo